Foreword


Lời giới thiệu: Việc sử dụng và Lạm dụng các Ý tưởng Kinh tế

Các đại biểu từ 44 quốc gia gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng New Hamsphire của Bretton Woods vào tháng bảy năm 1944 để thiết lập trật tự kinh tế thế giới hậu thế chiến. Khi họ rời đi ba tuần sau đó, một cấu trúc hệ thống toàn cầu tồn tại trong hơn ba thập kỉ tiếp theo đã được hình thành. Hệ thống này là đứa con tinh thần của hai nhà kinh tế: người khổng lồ nước Anh, John Maynard Keynes, và một quan chức của Bộ Ngân khố Hoa Kì Harry Dexter White.[1] Keynes và White có suy nghĩ khác nhau về nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề lợi ích quốc gia, nhưng họ lại có chung quan điểm hình thành từ kinh nghiệm của thời kì chiến tranh. Mục tiêu của họ là tránh những biến động trong những năm cuối cùng của chế độ Bản vị Vàng và cuộc Đại Suy thoái. Họ đồng ý rằng việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi tỉ giá hối đoái cố định, nhưng vẫn có thể điều chỉnh trong vài trường hợp; tự do hóa thương mại quốc tế ngoại trừ dòng vốn; mở rộng phạm vi các chính sách tài khóa và tiền tệ quốc gia; và tăng cường hợp tác thông qua hai tổ chức quốc tế mới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development) (sau này được gọi là Ngân hàng Thế giới – World Bank).

            Thiết chế của Keynes và White đã thành công rực rỡ. Nó mở ra một kỉ nguyên tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy và sự ổn định cho các nền kinh tế thị trường phát triển, cũng như các điều kiện cho các quốc gia sau này sẽ giành độc lập. Hệ thống này cuối cùng bị sụp đổ trong những năm 1970 bởi sự tăng trưởng của dòng vốn đầu cơ, chính là điều mà Keynes đã cảnh báo. Nhưng nó vẫn là tiêu chuẩn cho các kỹ thuật xây dựng thiết thế toàn cầu. Qua từng biến động của nền kinh tế thế giới, các nhà cải cách lại hô hào thực hiện “một hệ thống Bretton Woods mới”!

            Năm 1952, một nhà kinh tế thuộc Đại học Columbia tên William Vickrey đã đề xuất một hệ thống định giá mới cho tàu điện ngầm ở New York. Ông đề nghị giá vé sẽ tăng vào thời gian cao điểm và ở những giao lộ có lưu lượng giao thông cao, và giảm ở những thời điểm còn lại và ở những giao lộ khác. Hệ thống “định giá theo mức tắc nghẽn” này không khác gì việc áp dụng các nguyên tắc cung – cầu trong kinh tế cho giao thông công cộng. Giá vé chênh lệch sẽ bắt các hành khách có khung thời gian linh hoạt hơn để tránh di chuyển vào khung giờ cao điểm. Chúng sẽ cho phép dàn lượng hành khách theo thời gian, giảm thiểu áp lực lên hệ thống đồng thời cho phép lưu lượng hành khách lớn hơn. Vickrey sau đó đề xuất một hệ thống tương tự cho giao thông đường bộ và giao thông tự động. Nhưng nhiều người nghĩ rằng ý tưởng này là điên rồ và bất khả thi.

            Singapore là nước đầu tiên đưa định giá theo mức tắc nghẽn vào thực nghiệm. Bắt đầu vào năm 1975, các lái xe ở đây bị tính phí khi đi vào khu kinh doanh trung tâm. Hệ thống này được thay thế vào năm 1998 bởi một khoản thu phí điện tử, điều này giúp thu phí các tài xế ở những mức khác nhau dựa trên tốc độ trung bình của lưu lượng giao thông trong hệ thống. Hệ thống đã làm giảm tác nghẽn giao thông, tăng cường mức độ sử dụng giao thông công cộng, giảm lượng khí thải các-bon, và tạo ra nguồn thu đáng kể cho chính quyền Singapore. Thành công này đã lan truyền đến các thành phố lớn khác như London, Milan, và Stockholm, áp dụng nó với những tùy biến khác nhau.

            Năm 1997, Santiago Levy, một giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học Boston và cũng là thứ trưởng Bộ Tài chính của quê hương ông - Mexico, đã tìm cách sửa lại toàn bộ phương pháp chống đói nghèo của chính phủ. Các chương trình hiện thời chỉ cung cấp hỗ trợ cho người nghèo chủ yếu dưới hình thức trợ cấp lương thực. Levy cho rằng các chương trình này không hiệu quả và không đủ. Một nguyên lý cơ bản của kinh tế học nói rằng liên quan tới phúc lợi của người nghèo, trợ cấp tiền mặt trực tiếp có hiệu quả hơn trợ cấp hàng hóa tiêu dùng cụ thể. Ngoài ra, Levy nghĩ rằng ông có thể sử dụng các khoản trợ cấp tiền mặt để làm đòn bẩy cải thiện sức khỏe và giáo dục. Các bà mẹ sẽ được nhận tiền mặt; đổi lại, họ phải bảo đảm rằng con cái mình sẽ đi học và được nhận sự chăm sóc sức khỏe. Theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, chương trình đó đã khuyến khích các bà mẹ đầu tư vào con cái mình.

            Progresa (sau này đổi tên thành Oportunidades, và sau đó lại trở về tên cũ) là chương trình chuyển tiền mặt có điều kiện (conditional cash transfer- CCT) trên quy mô lớn đầu tiên được thành lập ở một nước đang phát triển. Đi kèm với một kế hoạch giới thiệu và áp dụng dần dần, Levy cũng đã lập ra một kế hoạch khéo léo cho phép đánh giá rõ ràng hiệu quả của nó. Tất cả đều dựa trên các nguyên lý kinh tế đơn giản, nhưng nó đã cách mạng hóa tư duy của các nhà hoạch định chính sách về các chương trình chống đói nghèo. Khi kết quả tích cực xuất hiện, chương trình đã trở thành một hình mẫu cho các quốc gia khác. Rất nhiều các quốc gia Mĩ Latinh, bao gồm Brazil và Chile, sau này đã áp dụng các chương trình tương tự. Một chương trình CCT thí điểm thậm chí được thiết lập ở thành phố New York dưới thời thị trưởng Michael Bloomberg.

            Bộ ba các ý tưởng kinh tế trong ba lĩnh vực khác nhau: kinh tế thế giới, giao thông đô thị, và cuộc chiến chống đói nghèo. Trong mỗi trường hợp, các nhà kinh tế đã tái tạo lại một phần của thế giới bằng cách áp dụng những bộ khung kinh tế đơn giản cho những vấn đề mang tính đại chúng. Các ví dụ này cho thấy mặt tốt nhất của kinh tế học. Có rất nhiều ví dụ khác: lý thuyết trò chơi được sử dụng để thiết lập đấu giá sóng vô tuyến cho truyền thông; các mô hình thiết kế thị trường đã giúp ngành y tế điều phối người dân tới các bệnh viện; các mô hình tổ chức ngành củng cố các chính sách cạnh tranh và chống độc quyền; và những phát triển gần đây trong lý thuyết kinh tế vĩ mô đã dẫn tới việc áp dụng rộng rãi các chính sách nhắm vào lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. 1 Khi các nhà kinh tế có những nhận định chính xác, thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

            Thế nhưng, các nhà kinh tế lại thường thất bại, như rất nhiều ví dụ được đề cập trong cuốn sách này. Tôi viết cuốn sách này nhằm cố gắng giải thích tại sao kinh tế học có lúc đúng, lúc không. “Các mô hình” – những bộ khung thuần toán học, trừu tượng mà các nhà kinh tế sử dụng để hiểu thế giới – là trọng tâm của cuốn sách. Các mô hình là sức mạnh của các nhà kinh tế và cũng là gót chân Achilles của chính họ. Chúng làm cho kinh tế học trở thành một môn khoa học – không phải như vật lý lượng tử hay sinh học phân tử, nhưng vẫn là một môn khoa học.

            Thay vì một mô hình đơn lẻ, đặc thù, kinh tế học bao gồm rất nhiều mô hình. Ngành học này phát triển bằng cách mở rộng tập hợp các mô hình của nó và cải thiện mối tương quan giữa các mô hình này với thế giới thực. Sự đa dạng của các mô hình trong kinh tế học là cần thiết so với sự linh hoạt của đời sống xã hội. Các hệ thống xã hội khác nhau đòi hỏi các mô hình khác nhau. Các nhà kinh tế không bao giờ có thể khám phá các mô hình phổ quát, có chung mục đích.

            Nhưng một phần vì các nhà kinh tế lấy khoa học tự nhiên làm mốc tham chiếu, họ có xu hướng lạm dụng mô hình của mình. Họ dễ bị nhầm lẫn một mô hình với mô hình chung, phù hợp và có thể áp dụng trong mọi điều kiện. Các nhà kinh tế phải vượt qua sự cám dỗ này. Họ phải chọn lựa các mô hình cẩn thận khi bối cảnh thay đổi. Họ cần phải học cách chuyển đổi các mô hình khác nhau một cách trôi chảy hơn.

            Cuốn sách này tôn vinh và phê bình kinh tế học. Tôi bảo vệ phần cốt lõi của ngành học này – vai trò mà các mô hình kinh tế nắm giữ trong việc tạo ra tri thức - nhưng chỉ trích cách thức mà các nhà kinh tế hành nghề và sử dụng (cũng như lạm dụng) các mô hình. Những lí lẽ tôi trình bày ở đây không phải là “quan điểm số đông”. Tôi ngờ rằng rất nhiều nhà kinh tế sẽ không đồng ý với những điều tôi nói về ngành học này, đặc biệt là quan điểm của tôi về thứ khoa học của kinh tế học.

            Trong nhiều lần tương tác với những người không phải nhà kinh tế và những người hành nghề trong các ngành khoa học xã hội khác, tôi thường bị bối rối bởi những quan điểm bên ngoài về kinh tế học. Thường thấy những lời phàn nàn về kinh tế học như: kinh tế học quá đơn giản và thiển cận; nó có những tuyên bố phổ quát bỏ mà qua vai trò của văn hóa, lịch sử và các điều kiện căn bản khác; nó chỉ ca tụng thị trường; nó chứa đầy những phán đoán về giá trị tiềm ẩn; và bên cạnh đó, nó không giải thích và dự đoán sự phát triển của nền kinh tế. Mỗi lời chỉ trích này phần lớn xuất phát từ sự thất bại trong việc nhận ra rằng kinh tế học, trên thực tế, là một tập hợp đa dạng các mô hình không có một hệ ý thức nhất định hoặc có một kết luận nhất định. Tất nhiên, với việc các nhà kinh tế thất bại khi phản ánh sự đa dạng trong ngành học này, lỗi thuộc về họ.

            Một điều nữa phải làm rõ ngay từ đầu. Thuật ngữ “kinh tế học” đã được sử dụng theo hai cách hoàn toàn khác nhau. Một định nghĩa tập trung vào khu vực thực tế của nghiên cứu; trong lời giải thích này, kinh tế học là một môn khoa học xã hội nhằm hiểu được cách mà nền kinh tế vận hành. Định nghĩa thứ hai tập trung vào các phương pháp: kinh tế học là một phương thức thực hiện khoa học xã hội, sử dụng các công cụ đặc biệt. Khi giải thích như vậy, ngành học được kết hợp với một bộ máy phân tích mô hình và thống kê chính quy hơn là các giả thuyết hoặc lý thuyết cụ thể về nền kinh tế. Do đó, các phương pháp kinh tế có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác ngoài nền kinh tế - mọi thứ từ các quyết định trong gia đình đến các thắc mắc về những thể chế chính trị.

            Tôi sử dụng thuật ngữ “kinh tế học” phần lớn theo nghĩa thứ hai. Tất cả những gì tôi sẽ nói về những lợi thế và ứng dụng sai của các mô hình cũng áp dụng đối với nghiên cứu về khoa học chính trị, xã hội học, hoặc ngành luật, những ngành sử dụng cách tiếp cận tương tự. Đã có một xu hướng trong cuộc thảo luận chung để kết hợp các phương pháp này với một phương thức làm việc theo kiểu Kinh tế học hài hước (Freakonomics). Cách tiếp cận này, được phổ biến bởi nhà kinh tế Steven Levitt, đã được sử dụng để làm sáng tỏ các hiện tượng xã hội đa dạng, từ nghiên cứu về các đô vật sumo cho tới việc lừa dối giáo viên ở các trường công, sử dụng phân tích thực nghiệm cẩn thận và lý luận dựa trên động cơ.2 Một số nhà phê bình cho rằng việc làm này lại tầm thường hóa kinh tế học. Nó bỏ qua các câu hỏi lớn trong lĩnh vực này – khi nào các thị trường hoạt động và thất bại, điều gì làm cho nền kinh tế tăng trưởng, làm cách nào để giải quyết toàn dụng lao động và bình ổn giá, và vân vân – mà lại tập trung vào các vấn đề trần tục hàng ngày.

            Trong cuốn sách này, tôi tập trung vào những câu hỏi lớn hơn và cách thưc các mô hình kinh tế đưa ra câu trả lời. Chúng ta không thể gán cho kinh tế học những lời giải phổ quát hoặc các quy định để áp dụng trong bất kể hoàn cảnh nào. Các khả năng của đời sống là rất đa dạng để có thể được ép vào trong những bộ khung đặc biệt. Nhưng mỗi mô hình kinh tế giống như một bản đồ chiếu sáng một mảnh địa hình. Khi kết hợp với nhau, mô hình của các nhà kinh tế là chỉ dẫn tư duy tốt nhất của chúng ta tới những ngọn đồi và thung lũng bất tận tạo thành các trải nghiệm xã hội.

 

[1] Việc White có thực sự là một điệp viên của Liên Xô hay không vẫn còn đang trong vòng tranh cãi. Vụ kiện với White được thực hiện một cách mạnh mẽ trong tác phẩm của Benn Steil Cuộc chiến Bretton Wooods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, và Tạo ra một Trật tự Thế giới Mới (The Battle of Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White and the Making of a New World Order; Princeton University Press, 2013). Lập luận ở phía đối lập, đọc James M. Boughton, “White bẩn thỉu: Tại sao lịch sử Bretton Woods bóp méo ý tưởng của Harry Dexter White?” (Dirtying White: Why Does Benn Steil’s History of Bretton Woods Distort the Ideas of Harry Dexter White, nhà xuất bản quốc gia, ngày 24 tháng 6 năm 2013). Bất kể sự thật của vụ án là như thế nào, rõ ràng rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã phục vụ khá tốt cho lợi ích kinh tế của Hoa Kì (cũng như phần còn lại của thế giới phương Tây) trong những thập niên sau Thế chiến Thứ hai.


DO YOU NEED A HARDCOVER?

Khải Minh Book Company, All rights reserved 2019
Powered by Webnode
Create your website for free! This website was made with Webnode. Create your own for free today! Get started